CHU VĂN AN - NGƯỜI THẦY TIÊU BIỂU CỦA MUÔN ĐỜI
Thầy giáo Chu Văn An (1292 -1370) người làng Quang Liệt (nay la thôn Văn), Xã Thanh Liệt, Huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Hồi nhỏ, sớm có nghị lực, thầy học rất giỏi nghiêm khắc sửa mình, mặc dù đỗ đạt cao nhưng thầy không ra làm quan mà ở nhà đọc sách, mở trường dạy học, cống hiến tâm huyết cho nền học vấn quê nhà. Ngôi trường của thầy tại Thôn Huỳnh Cung, Xã Tam Hiệp là cái nôi đào tạo hiền tài. Đức độ tài năng của thầy nứng tiếng gần xa, có học trò là vương tôn công tử, có học trò khoác áo thường dân; có học trò không phải là người phàm tục cũng tìm đến theo học rất đông, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều đình như: Phạm Sư Hạnh, Lê Quát ...
Tượng thầy Chu Văn An được xây dựng năm 2014
Cảm mến tài đức của thầy Chu Văn An, vua Trần Minh Tông mời thầy về Thăng Long làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám - Trường Đại Học đầu tiên của Việt Nam), phụ trách dạy học cho thái tử. Thầy Chu Văn An đã giữ nghiêm phong thái của người thầy, dốc hết tâm can dạy dỗ các thái tử.
Thời vua Trần Dụ Tông chính trị đổ nát, quyền thần lộng hành ức hiếp dân lành, nhân dân khổ cực, sưu cao thuế nặng. Trước tình hình đó, Chu Văn An dâng " Thất trảm sớ " xin chém 7 tên gian thần. " Thất trảm sớ " không được vua Dụ Tông chấp nhận, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An treo ấn từ quan về ở ẩn tại vùng núi Phượng Hoàng (Chí Linh - Hải Dương), lấy tên là Tiểu Ấn. Thầy dựng nhà dạy học, lấy cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế.
Ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An qua đời ở núi Phượng Hoàng. Trân trọng tài năng, nhân cách và sự cống hiến của thầy, triều đình đã truy tặng tước công (Văn Trịnh Công), tước phẩm cao nhất trong các hạng tước, được tòng tự ở Văn Miếu và được hậu thế dựng miếu phụng thờ.
Trải qua hơn 600 năm và trải qua muôn đời sau Chu Văn An vẫn mãi được suy tôn là " Người thầy của muôn đời " là " Bậc Nho học tiêu biểu nhất của nước Việt ta " , bậc thánh cao nhất, " Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn hiến Việt Nam " với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục nước nhà và là tấm gương sáng về đạo làm người.