Lần đầu tiên đi học với mỗi chúng ta, chắn hẳn là “buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”? Và ai ai cũng mang trong mình cảm giác hồi hộp bỡ ngỡ với trường mới, bạn mới!
Ấy vậy mà hơn 30 năm trước ở một hòn đảo xinh đẹp bị lãng quên ở Indonesia, ngày khai giảng là ngày mà có 9 đứa trẻ và 2 thầy cô giáo phải thấp thỏm lo lắng trước lệnh đóng cửa trường khi không đủ tối thiểu 10 học sinh, chuẩn bị cho ngày khai giảng không phải là bức thư chúc năm học mới của lãnh đạo, hay diễn văn chào năm học mới mà là bài diễn văn đóng cửa trường. May mắn thay, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, ngôi trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa, và buổi lễ khai giảng bắt đầu vào lúc 11g 5 phút. 10 đứa trẻ ngoan cường ấy, được cô giáo của mình đặt cho một cái tên rất đẹp “Chiến Binh Cầu Vồng”. Và đó cũng là tên cuốn sách mà chi đội lớp 7A7 sẽ giới thiệu đến các bạn, quyển sách Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata. Được xuất bản năm 2018 với 424tr và 48 chương.
Cuốn sách nhỏ bé chứa đựng bên trong nó nghị lực phi thường của 10 đứa trẻ nghèo đói nhưng ham học mãnh liệt, 1 người cha đánh cá nghèo khổ phải gồng mình nuôi mười bốn miệng ăn nhưng dám-can-đảm cho con trai của mình đi học, 1 thầy hiệu trưởng yêu nghề, yêu học trò đến khi nhắm mắt vẫn không yên và 1 cô giáo dám đương đầu với thế lực, cửa quyền để bảo vệ đến cùng ngôi trường xiêu vẹo…
Cứ tỉ tê, tỉ tê tự nhiên theo giọng kể chứa đầy cảm xúc (cái cảm xúc đau đớn, phẫn nộ nhưng đầy tuyệt vọng) cuốn sách dẫn chứng nhiều nghịch lý đau lòng của cái giàu và cái nghèo, của quyền lực và sự thân cô thế cô. Các bạn hãy cùng đến thư viện trường để tìm đọc cuốn sách này nhé!